Theo Luật doanh nghiệp 2005 thì có 4 loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân; công ty hợp danh; công ty TNHH và công ty cổ phần. đây là những loại hình doanh nghiệp chính.
Giới thiệu các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay.
1. Loại hình Doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp: do một cá nhân làm chủ sở hữu và cá nhân chủ sở hữu đó chỉ được làm chủ sở hữu một doanh nghiệp tư nhân; không được đồng thời làm chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân khác hoặc chủ sở hữu hộ kinh doanh và thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
Cá nhân chủ sở hữu tự quyết định cơ cấu tổ chức và đích thân trực tiếp quản lý , thực hiện các hoạt động kinh doanh và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; cá nhân chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân.
Nếu bạn thực sự muốn một mình đứng lên thành lập doanh nghiệp, làm chủ doanh nghiệp đó và hoàn toàn tự mình quyết định và tự chịu trách nhiệm về cơ cấu quản lý cũng như cách thức hoạt động kinh doanh thì lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân là một lựa chọn tối ưu nhất.
Tuy nhiên, khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp này bạn phải vô cùng lưu ý tài sản của doanh nghiệp tư nhân và của cá nhân bạn không có sự tách biệt, bạn phải chịu trách nhiệm với toàn bộ tài sản của cá nhân mình đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trách nhiệm vô hạn về tài sản của cá nhân đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là một ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân vì thế trong quá trình hợp tác kinh doanh khách hàng luôn tin tưởng quyền lợi của họ được đảm bảo bằng tài sản không chỉ của doanh nghiệp mà còn bằng chính tài sản của chủ doanh nghiệp.
Trách nhiệm vô hạn về tài sản khi chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vừa là ưu điểm lại vừa là nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này. Hiện nay, khi nều kinh tế đã có nhiều biến chuyển và việc mới rộng kinh doanh cũng như nhu cầu hợp tác ngày càng được mở rộng và chú ý thì loại hình doanh nghiệp tư nhân không còn được nhiều nhà kinh doanh lựa chọn. Thay vào đó là những loại hình doanh nghiệp mang tính phổ biến và tính hợp tác cao như TNHH hay cổ phần.
2. Loại hình Doang Nghiệp Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là doanh nghiệp có ít nhất hai thành viên là cá nhân, trong đó phải có ít nhất một thành viên hợp danh; ngoài thành viên hơp danh có thể có thành viên góp vốn; thành viên hợp danh phải là cá nhân, còn thành viên góp vốn có thể là cá nhân, tổ chức; thành viên hợp danh chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ khác của doanh nghiệp; còn thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị số vốn góp vào công ty; thành viên hợp danh có quyền quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty; còn thành viên góp vốn không có quyền quản lý công ty; trường hợp thành viên góp vốn tham gia quản lý, điều hàh công ty, thành viên đó đương nhiên được gọi là thành viên hợp danh; công ty hợp danh có tư cách pháp nhân và không được phát hành chứng khoán.
Về thực chất, thành viên hợp danh của công ty hợp danh cũng không khác nhiều so với chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, để nâng cao trách nhiệm cũng như hiệu quả kinh doanh khi một mình không có khả năng thành lập doanh nghiệp riêng thì việc kết hợp với một số người bạn có chung ý tưởng để cùng kinh doanh thì loại hình công ty hợp danh là một trong số các lực chọn tốt nhất.
Cũng giống như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh hiện nay là loại hình doanh nghiệp được rất ít các nhà kinh doanh lựa chọn. Dường như loại hình doanh nghiệp này hiện nay đang đi vào quên lãng của các nhà kinh doanh. Và tương lai không xa loại hình doanh nghiệp này sẽ được thay thế bởi loại hình doanh nghiệp khác bởi thực tế nhu cầu của các nhà kinh doanh không còn nhiều.
3. Loại hình Doang Nghiệp Công ty TNHH
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 thì công ty TNHH được chia thành 02 loại: Công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Sự khác biệt cơ bản giữa hai loại hình doanh nghiệp này là nằm ở cơ cấu tổ chức quản lý hay cách thực hiện quyền chủ sở hữu.
Công ty TNHH 1 thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Công ty TNHH 2 thành viên là doanh nghiệp trong đó thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân, số lượng không được vượt quá 50.
Dù là công ty TNHH 1 thành viên hay công ty TNHH 2 thành viên thì đều có các đặc điểm sau: số lượng thành viên không quá 50; trách nhiệm của các thành viên giới hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty; phần vốn góp chuyển nhượng được; nhưng có điều kiện; công ty là một pháp nhân độc lập và tách biệt về trách nhiệm với các thành viên và công ty TNHH không được phát hành chứng khoán.
Mặc dù không có quyền phát hành chứng khoán để thu hút vốn cho hoạt động kinh doanh như loại hình công ty cổ phần nhưng loại hình công ty TNHH lại được rất nhiều người lựa chọn để tiến hành cùng nhau hợp tác kinh doanh bởi do đặc tính chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty và việc chuyển nhượng vốn của các thành viên góp vốn bị hạn chế hơn so với loại hình công ty cổ phần.
Nếu một cá nhân mong muốn đứng ra thành lập doanh nghiệp do một mình mình làm chủ sở hữu và tự chịu trách nhiệm tất cả hoạt động kinh doanh nhưng lại không muốn mang cả tài sản cá nhân của mình ra mà chỉ giới hạn trong phạm vi tài sản góp vào công ty. Trong trường hợp này, thì loại hình công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu là một lựa chọn tốt nhât.
Nếu trong trường hợp một tổ chức muốn đứng ra thành lập doanh nghiệp và kinh doanh mà không muốn có thêm bất cứ tổ chức hay cá nhân nào góp vốn thì tổ chức đó hoàn toàn có thể lựa chọn loại hình công ty TNHh 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu.
Hiên nay, loại hình công ty TNHH được rất nhiều người lựa chọn thành lập khi tiến hành khởi nghiệp kinh doanh. Bởi đây là loại hình doanh nghiệp mang tính linh hoạt và có nhiều loại để lựa chọn. Nếu cá nhân thì có thể thành lập công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu, nếu là tổ chức thì có thể lựa chọn loại hình công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu hoặc từ 2 người trở lên hợp tác kinh doanh thì có thể lựa chọn loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
4. Loại hình Doang Nghiệp Công ty cổ phần:
Công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định của Luật doanh nghiệp 2005.
Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn. Tài sản của cá nhân và của doanh nghiệp tách biệt nhau và cá nhân chỉ chịu trách nhiệm đối với hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn góp vào giống như loại hình công ty TNHH.
Hiện nay, loại hình công ty cổ phần lại là loại công ty được nhiều người lựa chọn hơn cả bởi những quy định linh hoạt của pháp luật đối với loại hình doanh nghiệp này trong quá trình hoạt động. Việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông được thực hiện một các tự do sau khi công ty được thành lập 3 năm và công ty có thể phát hành chứng khoán để thu hút vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh.
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp phản ánh rõ nét sự phát triển cũng như nhu cầu của thực tế đó là nhu cầu hợp tác kinh doanh của các cá nhân và tổ chức ngày càng được mở rộng và quan tâm nhiều hơn. Đó là những ưu điểm chỉ có loại hình công ty cổ phần có trong các loại hình doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2005.
Căn cứ vào những phân tích ở trên, các bạn có thể lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp để bắt đầu con đường khởi nghiệp.